Mẹo hay cho người dễ bị say tàu xe

Chọn chỗ ngồi phù hợp

Khi đi xe khách cần tránh ngồi ghế ngược (nếu có) và ngồi những hàng ghế dưới của xe bởi nơi đây có chuyển động mạnh, nhiều tiếng ồn. Nên ngồi phía trước hoặc ngồi giữa xe.

Khi đi xe con, ngồi ở vị trí ghế phụ, bạn sẽ dễ dàng nhìn được về phía trước theo hướng xe đang di chuyển. Điều này giúp hạn chế sự xáo trộn, nhiễu loạn thông tin giữa mắt và tai trong, từ đó giảm các triệu chứng say xe.

Tránh đọc sách, sử dụng điện thoại

Cũng giống như việc bạn phải rời mắt khỏi chuyển động của dòng xe đang chạy, việc không để tâm đến nó cũng rất quan trọng. Lúc này, hãy “đánh lạc hướng” bản thân bằng một số bản nhạc, sách nói hoặc podcast có thể là một cách tuyệt vời để quên đi rằng bạn đang ngồi trên xe.

Bạn nên tránh đọc sách hoặc xem màn hình điện thoại vì điều này thực sự có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Một người đang đọc sách ở ghế sau ô tô thì đôi mắt sẽ cố định vào quyển sách. Khi xe di chuyển qua những khúc cua hoặc thay đổi vận tốc thì hệ thống dây thần kinh, tai trong của họ lại đón nhận chuyển động, dễ nôn nao, say xe.

Không nhìn vào dòng xe đang di chuyển

Say xe là một rối loạn phổ biến xảy ra ở khu vực tai trong. Nguyên nhân là từ những chuyển động lặp đi lặp lại từ xe cộ hoặc bất kỳ chuyển động nào tác động đến phần tai trong. Hệ quả của việc này là nhiều người sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc nôn khi đi ô tô.

Một trong những mẹo nhỏ để hạn chế điều này là không nhìn theo dòng xe hay các vật chuyển động bên đường, chỉ nên nhìn tập trung vào một điểm cố định ở xa, ví dụ như tập trung vào một tòa nhà phía trước hoặc một biển báo đường bộ, thậm chí là nhìn đường chân trời,…

Ngoài ra, khi lên xe nên nhắm mắt, ngủ một giấc trong suốt quá trình từ khi xe chạy cho đến khi kết thúc hành trình để quên đi cảm giác nôn nao khó chịu.

Sử dụng gừng

Cuối cùng, một trong những mẹo đơn giản để đẩy lùi say xe là sử dụng gừng khoảng 1-2 tiếng trước khi di chuyển. Các nhà khoa học cho rằng thành phần gingerol và shogaol trong gừng có tác dụng làm giảm cảm giác buồn nôn, ổn định huyết áp.

Loại gia vị này còn có đặc tính chống viêm, cải thiện tiêu hóa, đồng thời hỗ trợ giải phóng các hormone điều hòa huyết áp để làm dịu cơ thể.

Gừng được sử dụng để chữa buồn nôn ở nhiều dạng, từ tươi, khô, dạng bột, bào chế dưới dạng thức uống, viên nang hoặc tinh dầu chiết xuất. Bạn có thể uống trà gừng tươi thái lát khoảng 1-2 giờ trước lúc khởi hành để có tác dụng tốt nhất.