Hãy chọn các sản phẩm chai hộp nhựa có nhãn số 2, 4, 5 vì chúng được cho là an toàn hơn với sức khỏe.
Nếu bạn để ý, hầu hết những chiếc hộp nhựa và chai nhựa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đều được nhà sản xuất dập nổi một ký hiệu hình tam giác có 3 mũi tên vòng cung nối đuôi nhau. Đó chính là nhãn hiệu tái chế của loại nhựa mà họ sử dụng.
Và bằng cách đọc những con số trên nhãn hiệu tái chế này, bạn có thể biết chiếc hộp hoặc cái chai đó làm từ chất liệu nhựa gì, có phù hợp với mục đích sử dụng hay không? Trong trường hợp bạn đang tìm một cái chai đựng nước, hoặc một cái hộp để đựng thực phẩm, bạn nên tránh xa các sản phẩm có nhãn số 3, 6, 7.
SỐ 1 – PET, PETE
Nhựa có nhãn số 1 là nhựa PETE hoặc PET (Polyethylene Terephthalate) cũng thường được dùng để làm chai đựng nước khoáng, nước ngọt, bia.
Mặc dù loại nhựa này ít có nguy cơ rò rỉ hóa chất vào thực phẩm hơn, tuy nhiên, bạn không nên tận dụng các chai nhựa PET để đựng nước nhiều lần. Vì nhựa số 1 rất dễ tích tụ vi khuẩn, có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm.
SỐ 2 – HDPE, PE HD
Nhựa có nhãn số 2 là nhựa HDPE (High Density Polyethylene). Đây là loại nhựa an toàn nhất nên thường được dùng để làm bình đựng sữa cho trẻ sơ sinh. Bởi nhựa HDPE có chất lượng cao, không phát hành hóa chất vào thực phẩm. Các chuyên gia y tế đều khuyên dùng loại nhựa này.
SỐ 3 – V, PVC
Nhãn tái chế số 3 có nghĩa là đồ vật của bạn được làm từ nhựa PVC (Polyvinyl Chloride), hay còn ký hiệu là V. Loại nhựa này có đặc tính dẻo vượt trội, thường được sử dụng để làm lớp bọc dây dẫn điện, ống nhựa, xốp bọt khí để bảo vệ hàng hóa…
Tuy nhiên để có được tính dẻo này, nhà sản xuất sẽ phải pha vào nhựa PVC một hóa chất độc hại là Phthalate. Hóa chất này có khả năng gây rối loạn nội tiết tố, làm thay đổi khả năng sản xuất và duy trì hoocmôn trong cơ thể bạn.
Nó có thể bị rò rỉ vào nước uống hoặc thực phẩm, tiếp xúc với thời gian dài có thể gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe bao gồm bệnh hen suyễn, béo phì ở trẻ em, bệnh tim mạch, rối loạn sinh dục và sinh sản ở nam giới.
Phthalate đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai, bởi nó có thể làm tăng nguy cơ xảy thai, thai nhi có chỉ số IQ thấp hoặc mắc bệnh ADHD.
Ngoài ra, các sản phẩm nhựa có nhãn số 3 còn chứa di-(2-ethylhexyl)adipate (DEHA). Đây là một hợp chất có thể gây ung thư nếu tiếp xúc lâu dài. DEHA cũng liên quan đến tình trạng loãng xương và các vấn đề về gan khác.
Mặc dù không được khuyến cáo để đựng thực phẩm, bạn vẫn có thể tìm thấy một số sản phẩm trên thị trường sử dụng nhựa PVC nhãn số 3 cho mục đích này, chẳng hạn như chai dầu ăn, cốc đựng sữa chua, bơ, chai nước trái cây…
Một số sản phẩm sử dụng nhựa PVC an toàn hơn bao gồm chai dầu động cơ, chai chất tẩy rửa, dầu gội đầu, bạn chỉ nên sử dụng những loại chai này 1 lần và không tái chế chúng cho các mục đích khác.
SỐ 4 – LDPE, PEBD
Nhựa có nhãn số 4 là LDPE (Low Density Polyethylene) cũng được coi là an toàn. Tuy nhiên, nó thường ít được sử dụng để làm chai hoặc hộp đựng thực phẩm. Thay vào đó, nhựa LDPE hay được dùng làm túi nilon, giấy gói bánh. Bạn có thể yên tâm nếu trên nhãn túi nilon đựng thực phẩm của mình có nhãn số 4 này.
SỐ 5 – PP
Nhựa có nhãn số 5 là PP (Polypropylene) thường được dùng làm hộp các sản phẩm thực phẩm có màu sắc bắt mắt như kem, siro, sữa chua. Đó là bởi nhựa PP có màu trắng, dễ nhuộm và trang trí. Ưu điểm của PP là nó có khả năng chịu nhiệt tốt, nên sẽ không tan chảy hoặc phát hành hóa chất nếu dùng để đựng thực phẩm ở nhiệt độ cao.
SỐ 6 – PS
Nhãn tái chế số 6 được in hoặc dập nổi trên các sản phẩm làm từ nhựa PS (Polystyrene). Đây là một loại nhựa xốp rẻ tiền, thường được sử dụng ở các nước đang phát triển. Nhiều sản phẩm như hộp đựng thực phẩm, dao, dĩa, thìa nhựa dùng một lần là thứ mà bạn sẽ gặp được làm từ nhựa PS nhãn số 6.
Vấn đề của loại nhựa này là nó có chứa styrene, một hóa chất tạo ra độ xốp. Styrene đặc biệt dễ bị rò rỉ nếu bạn dùng nó để đựng thực phẩm nóng chẳng hạn như cà phê hoặc xôi. Trong khi, phơi nhiễm với styrene có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, ảnh hưởng đến chức năng thận, thính giác và tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư hạch, ung thư máu.
Nhựa PS an toàn hơn khi nó được sử dụng để làm hộp đựng trứng, bao bì xốp và vật liệu cách nhiệt. Nhưng nó chắc chắn không bao giờ phù hợp để đựng nước hay thực phẩm.
SỐ 7 – OTHER, O
Các sản phẩm nhựa được dán nhãn số 7 (nhãn cuối cùng) hoặc không có nhãn thực chất là nhựa không được phân loại. Tuy nhiên, nó thường chứa thành phần chính là nhựa PC (polycarbonate). Nguyên liệu của loại nhựa này có chứa bisphenol-A (BPA) là một hóa chất rất độc hại với sức khỏe.
BPA hoạt động như một loại estrogen tổng hợp, giống với phthalate, nó có thể gây ra rối loạn nội tiết tố, làm tăng nguy cơ vô sinh, ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ thai nhi, làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em.
Ngoài ra, BPA còn làm tăng nguy cơ hai loại ung thư là ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.